Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Truyện - Xóm đường tàu - Quán nước

 Cứ vào cái tầm này, cũng chả biết thói quen đã hình thành từ bao giờ tôi lại ném sách vở vào 1 góc, với lấy bao thuốc nhăn nheo trên bàn và đi xuống, ra khỏi phòng trọ. Trời tối, thảng hoặc có hôm lác đác vài ngôi sao cũng không làm cho cái xóm đường tàu này thêm sáng sủa. Nhà trọ nằm ở một góc xóm ,cạnh một con đường nhỏ lổm ngổm những ổ gà chỉ đủ cho một chiếc xe công nông cải tiến đi qua. Có lẽ cái con đường ấy sẽ mãi lặng lẳng sống nếu như không có một đường tàu cắt ngang. Vô tình nó tạo lên một cái ngã tư, giữa một con đường dài vô tận mà tôi chưa bao giờ được đi,được biết. Và một là con đường đã quá quen thuộc ,nhàm chán và ghồ ghề. Vô tình, tôi đang ở một căn nhà là một phần của cái ngã tư ấy.
 Băng qua đường tàu là quán nước của chị. Ở một góc của cái ngã tư ấy, nó cũng sẽ mãi mãi là một cái ngã tư tối tăm nhất cái thành phố này, nếu như không vô tình có một quán nước nhỏ. Dưới ánh sáng leo lắt, đỏ quạch của ngọn đèn, trong cái kiot mà chưa một lần tôi có dịp được nhìn nó mở của ngành đường sắt, là nơi tôi gặp chị.
 Cuộc đời,theo như tôi luôn cảm nhận, đó là một dãy dài những câu chuyện vô tình nối lại với nhau. Cũng như sự vô tình khi tôi quyết định theo học ngành văn,bỏ mặc những lời khuyên của mẹ hay răn đe của bố. Từ bé tôi đã là một học sinh giỏi toán. Tôi tin tưởng là mình không có năng khiếu cũng như dòng máu văn nghệ trong người. Nhưng với tôi, đó là một sự giải thoát. Khi mà cuộc đời cũng vô tình với mình ,thi những con số lạnh lẽo kia không làm cho tôi thấy hạnh phúc. Tôi trốn vào những câu truyện nửa thật, nửa giả, nửa đau thương, nửa hy vọng. Tôi gặp ở đó Thạch Lam, con người tràn đầy tình cảm trong những câu chữ tưởng như vô tình. Ông đã gieo vào tâm hồn một thằng con trai nhạt nhẽo, một nam sinh viên khoa văn, những giai điệu dặt dìu chả bao giờ kết thúc.
 Chị đến xóm đường tàu sau tôi, khi những con tàu đã thưa dần theo thời gian, khi những cơn gió đầu mùa chông chênh trên ngọn đèn hiu hắt, chị đến, và ngồi ở đó. Đằng sau cái bàn tre nhỏ đựng dăm chai nước đã phai theo màu bụi, một phong thuốc loại rẻ tiền nhất, vài cái cốc đã úa vàng vì cặn chè bám vào. Chị thấp hơn tôi cả cái đầu, một mái tóc nhuộm nâu, dài và không mượt mà, khuôn mặt có nét gì đó làm tôi liên tưởng đến hình ảnh của mấy cô gái trong những bộ phim đen trắng mà thi thoảng vào dịp gì đó, tivi hay chiếu lại. Theo như những gì sau này tôi nhớ lại, đó là một khuôn mặt mang tính cổ, rất hay thấy trên phố nếu tôi sinh ra vào những năm 45. Rồi ở cái thế ky 21 này, khuôn mặt ấy lại trở nên hiếm và đẹp một cách lạ thường.
- Chị cho em bao thuốc.
- Cậu Thạch nghỉ giải lao đấy à. Uống nước không em?
- Vâng, cho em một ly trà như mọi hôm.
 Cái điệp khúc ấy từ một tuần nay đã trở lên quen thuộc vào tầm này. Tôi xuống quán chị, châm một điếu thuốc. Trong khi chị từ từ bỏ vài viên đá vào cái cốc thuỷ tinh đã cũ, gạn cho tôi nửa cốc trà rồi mới cho thêm một phần nước lọc. Cuối cùng chị cho vào ít nước chanh cho thêm mùi. Cũng chả có gì đặc biệt, ở đây người ta trồng chanh nhiều lắm, nên trà cũng cho thêm một ít cho nó thơm. Nhưng với tôi, nó lại có một ý nghĩa khác. Cái ly trà này cũng như cuộc đời con người ta vây, có đắng, có chua. Có sự lạnh lẽo của những viên đá, để rồi lại cũng trôi đi theo dòng nước, nhạt nhoà...
 Tôi có thói quen ngồi nhâm nhi ly nước, đốt vài điếu thuốc và thi thoảng nhìn chị. Tôi chả bao giờ hỏi chị bao nhiêu tuổi, chả bao giờ hỏi chị từ đâu đến, cũng không quan tâm đến cuộc sống của chị. Với tôi, chị cũng chỉ là một người như bao nhiêu người khác xuất hiện trong xóm đường tàu này, họ sống yên lặng, bình thản. Ấy mà chỉ đi dọc theo con đường này hơn cây số nữa, sẽ là một bức tranh hoàn toàn khác. Đôi khi tôi tự hỏi những con người này đã bao giờ đi đến phố chưa, hay họ có cần đi đến phố không. Nhưng theo suy nghĩ về xã hội trong văn học của tôi, thì thông tin dù ra có muốn biết hay có ý định biết hay không, đều theo một con đường nào đó sẽ đến với ta. Có lẽ những con người ở xóm đường tàu này cũng thế.
 Lẽ dĩ nhiên, những thông tin về chị cũng thế.
 Chị tên An, cái tên gợi cho người ta về sự yên bình và nhàn nhã. Chị không phải quê ở đây, ở một nơi nào xa lắm, chả biết. Nghe đâu mãi về hướng Tây của mảnh đồng bằng Bắc Bộ. Chị nghỉ học ra Hà Nội làm ăn, rồi chả biết vì sao mất hết vốn. Không muốn về quê, chị đến nhà bà cô, mở quán trà đá rồi nghĩ cách làm ăn tiếp.
- Ra cô An là cháu bà Tâm. Thế có định làm gì chưa.
-
- Vậy cũng chồng con đi chứ, cũng sắp quá rồi còn gì
-
 Tôi cũng chỉ nhớ mang máng câu chuyện này của chị với một bà đi bộ buổi tối vào uống chén nước. Đấy, những cái câu chuyện nó cứ vô tình đến đem theo những thông tin của chị. Tôi ngồi, không cười, cũng không nói gì. Tôi nghe, để nó vô tình tồn tại trong bộ nhớ của mình.
 Bất chợt, có tiếng còi tàu văng vắng, tôi biết đã đến gần 10h rồi. Giờ này tàu sẽ chạy qua xóm. Ngày nào cũng vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét